Trên mạng nhiều người đang thảo luận về chia sẻ một người đến nhà bạn chơi, thấy nhà bạn cũ kỹ, nhiều người ở trong nhà đó, thì bạn thấy thương. Nhiều người bảo rằng hãy nhìn giá trị căn nhà họ đang ở, có lẽ người nghèo ở đây chính là người đang nghĩ họ nghèo.
Tôi cũng trải qua trường hợp như vậy. Hồi mới ra trường, tôi thuê trọ trong một khu phố bình yên, nơi có những căn nhà cấp bốn san sát nhau. Trong khu đó, có một đôi vợ chồng già sống cùng con cháu trong một căn nhà nhỏ. Hai bác lớn tuổi, không còn đi làm.
Con cái thì người đẩy xe bán bánh mì, người đi làm thuê theo ngày, thu nhập không ổn định. Ở đó lâu ngày, tôi thương mấy đứa nhỏ, thương hai bác, nên thỉnh thoảng cũng mua quà bánh cho tụi nhỏ, biếu hai bác chút quà vặt.
Rồi một ngày, hàng xóm nói nhỏ với tôi: "Nhà đó đất 5 tỷ lận đó". Tôi sốc. Tôi cũng nhận ra, người "nghèo" ở đây thực sự là ai? Là tôi, một người đi làm công ăn lương, dù có gom hết tài sản nhà cửa cha mẹ để lại ở quê cũng chưa chắc đã được 5 tỷ.
Điều khiến tôi suy nghĩ không phải là giá trị căn nhà, mà là cách chúng ta nhìn nhận về sự nghèo khó. Một gia đình có trong tay miếng đất bạc tỷ nhưng vẫn chật vật mưu sinh.
Những người đi ở thuê, nghèo hơn vì không có tài sản đáng kể vẫn giúp đỡ vì họ ổn định hơn, đó là một hình ảnh đẹp về tình làng nghĩa xóm. Nhưng đồng thời cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Làm sao để giúp họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn này? Bất động sản có thể là tài sản, nhưng nếu chỉ nằm im mà không được khai thác đúng cách, nó cũng giống như một kho báu bị chôn vùi.
Nếu gia đình ấy có tư duy tài chính tốt hơn, có thể họ đã cho thuê một phần đất, đầu tư một mô hình kinh doanh nhỏ, hoặc tìm một giải pháp nào đó để cải thiện cuộc sống thay vì công việc bấp bênh.
Giúp đỡ người khó khăn là điều tốt, nhưng liệu có cách nào giúp họ phát triển bền vững hơn, thay vì chỉ cho đi mãi mà không thấy thay đổi? Có những gia đình nghèo không phải vì họ thiếu tài sản, mà vì không biết cách khai thác tài sản sao cho hiệu quả.
Khi nói đến việc hỗ trợ cộng đồng, có lẽ điều quan trọng không chỉ là cho đi vật chất, mà còn là cách giúp họ thay đổi cách nhìn nhận và tận dụng những gì mình đang có. Đó mới là cách giúp đỡ bền vững nhất.