Hàng trăm khán giả hưởng ứng vở 'Câu thơ yên ngựa'

20/04/2025
|
0 lượt xem
Giải Trí Sân Khấu Sân Khấu - Mỹ Thuật
Hàng trăm khán giả hưởng ứng vở 'Câu thơ yên ngựa'

Vở kinh điển của gia tộc Minh Tơ ra mắt trở lại, tối 19/4 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1), kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Năm 1979, vở từng làm nên cơn sốt khi được soạn giả - nghệ sĩ Thanh Tòng chuyển thể tuồng cổ. Tác phẩm khi đó thu hút 1.200 khán giả mỗi suất, từng được mang đi lưu diễn ở Pháp.

Sau gần 50 năm, bản dựng mới của đạo diễn Hoa Hạ quy tụ nhiều tên tuổi thuộc thế hệ thứ năm của đoàn Minh Tơ. Kịch bản tái hiện một giai đoạn lịch sử khi nhà Lý chống quân Tống với trận Như Nguyệt. Ngoài thông điệp về lòng yêu nước, sự trung kiên của quân thần thời loạn, vở còn khai thác mâu thuẫn chốn hậu cung, giữa thái hậu Ỷ Lan (Quế Trân đóng) và Thượng Dương hoàng hậu (Tú Sương).

Quế Trân (trái) - vai thái hậu Ỷ Lan, và Tú Sương - vai Thượng Dương hoàng hậu. Ảnh: Mai Nhật

Đạo diễn dành nhiều cảnh "đinh" để nhấn mạnh cuộc chiến hào hùng chống giặc ngoại xâm. Một trong những phân đoạn để lại ấn tượng với đông đảo người xem là khi Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy trận đánh trên sông Như Nguyệt. Qua diễn xuất của Võ Minh Lâm, danh tướng nhà Lý được khắc họa uy dũng. Ở cảnh nhân vật đề bút viết "bài thơ thần", giọng ngâm của diễn viên 36 tuổi vang rền giữa khán phòng, đậm chất tự hào về hồn thiêng sông núi.

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".

    Phân cảnh Lý Thường Kiệt viết "bài thơ thần"

Phân cảnh Lý Thường Kiệt viết "bài thơ thần". Video: Mai Nhật

Võ Minh Lâm diễn dứt khoát trong từng động tác múa bút, thu hút nhiều tiếng vỗ tay, hò reo của khán giả. Cảnh Lý Thường Kiệt, cùng hai viên tùy tướng, đi thuyền trên sông để xem xét thế giặc, được dựng theo hình thức ước lệ với màn phối hợp vũ đạo nhuần nhuyễn.

Phiên bản mới chú trọng nhiều trường đoạn nội tâm, làm bật lên chân dung Quốc công Thái úy - một vị tướng giàu tình cảm, hành xử thấu tình đạt lý. Bị Lý Ngân - cháu Lý Đạo Thành (Điền Trung) - mưu sát bất thành, Lý Thường Kiệt vẫn tha tội, xin với thái hậu cho chàng đoái công chuộc tội.

Cảnh Lý Thường Kiệt mời Lý Đạo Thành trở lại, tham gia triều chính, được tô đậm để khắc sâu mối thâm tình của hai bậc chí sĩ yêu nước. Ở đoạn triều đình bị giặc buộc giao nộp long bào, ngọc ấn, bản lĩnh của Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành toát lên qua câu thoại của thái hậu: "Văn có Lý Đạo Thành, võ có Lý Thường Kiệt, nước Đại Việt ta miên trường vĩnh cửu".

Hai đào chính - Quế Trân và Tú Sương - góp phần làm nên sức hút cho vở diễn ở tuyến mâu thuẫn chốn cung đình. Nét diễn của Quế Trân gợi sự uy nghi, chuẩn mực của một thái hậu buông rèm nhiếp chính. Khi phục chức cho Thượng dương hoàng hậu, bà vì vận nước mà xoá bỏ những hiềm khích cá nhân, không muốn "cái loạn của đàn bà ở chốn cung viên sẽ tiếp tay cho giặc thù cướp nước". Giọng thoại con gái Thanh Tòng tạo hiệu ứng cảm xúc tốt, gửi gắm lòng tự tôn dân tộc giữa giây phút nguy nan.

Tú Sương khắc họa một hoàng hậu bị lòng đố kỵ lẫn tham vọng quyền lực xâm chiếm tâm trí. Trước những lời dụ dỗ của gián điệp Vệ Uông, dù được phục chức, bà vẫn nuôi mối thù với Ỷ Lan. Từ đó, bà lên kế hoạch kích động dân chúng để giao nộp Lý Thường Kiệt cho quân Tống. Nhiều lớp diễn của nhân vật, đặc biệt phân đoạn đối đầu với Ỷ Lan, được dàn dựng kịch tính. So với các bản cũ, vai Thượng dương hoàng hậu được đạo diễn xử lý mới mẻ hơn, làm bật lên bi kịch nội tâm của nhân vật, khi vì lòng ghen hờn mà bị quân thù lợi dụng.

    Cảnh đối đầu của Ỷ Lan thái hậu, Thượng Dương hoàng hậu

Cảnh đối đầu của Ỷ Lan thái hậu, Thượng Dương hoàng hậu. Video: Mai Nhật

Dài hơn ba giờ, vở thu hút hơn 500 khán giả đến khuya. Soạn giả Hoàng Song Việt - "bầu" sân khấu Đại Việt, đơn vị sản xuất - cho biết tác phẩm "cháy" vé, vài ngày trước khi diễn chỉ còn một số vé trên lầu. Người hâm mộ thể hiện tình yêu với tuồng cổ qua từng tiếng vỗ tay mở màn, lúc êkíp trình chiếu các đoạn trích tiêu biểu của những đợt diễn trước. Nhiều người khóc trước những cảnh đào sâu về tâm lý, như phân đoạn Lý Đạo Thành gạt tình riêng, trao trả gươm lệnh, để Lý Thường Kiệt tùy nghi xử tội cháu.

Trong số khán giả xem suất diễn đầu không thiếu những người trẻ. Nguyễn Thảo Vy (Đại học Kinh tế TP HCM) cho biết đưa người bà gần 80 tuổi đến xem. Nếu bà của cô theo dõi đoàn Minh Tơ từ những năm 1970, nữ sinh năm hai gần đây mới biết đến các vở tuồng của họ. "Tôi từng xem Câu thơ yên ngựa qua các video ngắn trên TikTok, nhưng không thể sánh được với cảm giác thưởng thức các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp", cô cho biết.

Khán giả xem vở "Câu thơ yên ngựa", tối 19/4. Ảnh: Mai Nhật

Quế Trân cho biết tham gia tác phẩm để ôn lại thời hoàng kim của gia tộc, tri ân cha - người góp công Việt hóa tuồng cổ. Khi dựng vở, Thanh Tòng từng mời các nghệ sĩ lớn bên lĩnh vực hát bội để chia sẻ về điệu bộ, từ đó lọc ra từng động tác tinh hoa. Ông mạnh dạn đưa Lý cây bông - bài dân ca miền Tây quen thuộc, vào phân cảnh Lý Đạo Thành xử án Thượng Dương - một màn diễn kinh điển, và thành công vang dội.

Quế Trân xúc động khi ngày công diễn có sự góp mặt của đông đảo thế hệ gia tộc, như nghệ sĩ Minh Tâm, Công Minh, Thanh Sơn, Tú Sương, Điền Trung. Sắp tới, đoàn Minh Tơ phối hợp sân khấu Sử Việt để dựng lại các vở tiêu biểu khác của gánh hát, kỳ vọng khôi phục thời vàng son của tuồng cổ.

Quế Trân trở lại với vai chính trong vở kinh điển. Ảnh: Mai Nhật

Đoàn Minh Tơ bắt nguồn từ gánh Vĩnh Xuân của vợ chồng bầu Vĩnh và đào Xuân, đầu thế kỷ 20. Sau đó, con trai họ - kép Hai Thắng - lập ra gánh Vĩnh Xuân - Bầu Thắng, đóng đô tại đình Cầu Quan (quận 1 ngày nay). Năm trong tám người con của bầu Thắng gồm Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú kế nghiệp cha.

    Thanh Tòng (vai Lý Đạo Thành) đưa dân ca Nam bộ vào cảnh cao trào vở "Câu thơ yên ngựa"

Trích đoạn nghệ sĩ Thanh Tòng (vai Lý Đạo Thành) đưa dân ca Nam bộ vào phân cảnh cao trào của vở "Câu thơ yên ngựa" năm 1982. Video: Đài truyền hình TP HCM

Đến đời Thanh Tòng, gia tộc chuyển mình mạnh mẽ với loạt vở lịch sử, dân gian thuần Việt, như Câu thơ yên ngựa, Chiếc nỏ thần, Kiều Nguyệt Nga, Lưu Bình - Dương Lễ. Thế hệ thứ năm gồm Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Lê Thanh Thảo là các ngôi sao cải lương của thành phố hiện nay. Đời thứ sáu là các diễn viên nhí như Kim Thư, Hồng Quyên, Tú Quyên.

Mai Nhật

Tin liên quan
Tin Nổi bật