BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mỗi trẻ sơ sinh có tốc độ tăng trưởng khác nhau nhưng cần đạt các mốc cân nặng tiêu chuẩn nhằm đảm bảo phát triển bình thường. Trẻ không thể duy trì cân nặng phù hợp là dấu hiệu đầu tiên của chậm lớn, kéo theo kém tăng trưởng về chiều cao, vòng đầu, chậm phát triển nhận thức hoặc sức đề kháng. Dưới đây là các nguyên nhân khiến trẻ chậm lớn.
Không nạp đủ năng lượng
Trẻ sơ sinh cần bú 8-12 lần một ngày để có đủ năng lượng, chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tối ưu. Mẹ nên cho trẻ bú trong vòng 30 phút sau khi thức dậy. Thời gian lý tưởng giữa các bữa là 2-3 giờ. Để đánh giá trẻ bú đủ nhu cầu hay không, cha mẹ cần quan sát các dấu hiệu như trẻ ngủ sâu trong 2-3 giờ, không có dấu hiệu mất nước, tăng cân đủ, tiểu ít nhất 6 tã trong 24 giờ với nước tiểu vàng trong.
Mẹ thiếu sữa hoặc sữa thiếu chất có thể do nhiều yếu tố như trầm cảm sau sinh, rối loạn lo âu, thể trạng kém, chế độ dinh dưỡng không khoa học, mất ngủ... Để cải thiện tình trạng này, người thân nên hỗ trợ chăm sóc bé giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống lành mạnh, đủ chất, tăng cường thực phẩm lợi sữa như rau xanh, chuối sứ, các loại hạt, nhất là mè đen, thịt nạc, cá, trứng... Mẹ uống đủ nước mỗi ngày, ngủ đủ giấc, tập môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội... có thể giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe.
Sữa mẹ gồm hai loại chính, sữa đầu và sữa cuối. 1/3 trong đó là lượng sữa đầu, tiết ra khi bắt đầu cho trẻ bú. Lúc này, cơ thể mẹ giải phóng hormone oxytocin, kích thích dòng chảy của phần sữa còn lại, tức là sữa cuối. Đây là phản xạ xuống sữa, sữa cuối có nhiều calo hơn sữa đầu. Nếu mẹ căng thẳng hoặc mệt mỏi, phản xạ xuống sữa có thể không hoạt động. Lúc này trẻ không nhận được sữa cuối, dẫn đến chậm tăng cân. Mẹ cho bú sai cách, bú chưa cạn hết một bên ngực lại chuyển sang bên kia dẫn đến trẻ chỉ bú toàn sữa đầu, không đủ dinh dưỡng.
Trẻ chậm lớn cũng có thể do các yếu tố như pha sữa công thức không đúng cách, quá loãng làm giảm năng lượng nạp vào hoặc quá đặc gây ra vấn đề tiêu hóa. Trẻ sứt môi, chẻ vòm, dính thắng lưỡi nặng, chưa ngậm bắt vú mẹ tốt cũng dẫn đến bú không đủ. Thói quen kén bú, phối hợp kém giữa bú và nuốt cũng góp phần khiến trẻ chậm tăng cân.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ. Ảnh minh họa: Hữu Thuận
Mắc bệnh lý
Trẻ mắc bệnh Celiac khiến cơ thể không dung nạp thực phẩm chứa gluten. Gluten là các protein trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen. Bệnh gây viêm và bất sản ruột non (ruột non không phát triển hoàn chỉnh) làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Bệnh teo đường mật bẩm sinh khiến cơ thể trẻ không tiết đủ dịch mật, đồng nghĩa chất béo không được tiêu hóa, cơ thể không thể hấp thu chất béo, vitamin tan trong dầu A, D, E, K. Bệnh xơ nang (u xơ nang) khiến cơ thể tiết quá mức mồ hôi và dịch nhầy, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa. Dịch nhầy bất thường làm tắc ống dẫn tuyến tụy, khiến enzyme tiêu hóa không tới ruột non, thức ăn dạ dày không được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng cần cho cơ thể. Trẻ sơ sinh mắc bệnh xơ nang thường xuất hiện dấu hiệu sớm của bệnh như tắc nghẽn ruột, da có vị mặn, khó đi ngoài do phân tích tụ.
Trẻ bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh thường mệt mỏi, lờ đờ, hôn mê, chán ăn, bỏ bú, ngưng thở hoặc thở gấp, bụng phình ra, đau bụng. Dị ứng đạm sữa bò khiến trẻ bị chàm da, ho, khò khè kéo dài, trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy hoặc táo bón, chướng bụng. Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như đi tiêu phân lỏng, có máu trong phân... Trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt, mắc tình trạng dạ dày ruột mạn tính như hội chứng ruột kích thích, nhiễm trùng... cũng là các nguyên nhân dẫn đến chậm tăng cân.
Trẻ kém tăng trưởng còn do bệnh phổi mạn ở trẻ sinh non, tim bẩm sinh, suy thận, cường giáp, hen suyễn, bệnh ác tính, di truyền (hội chứng Turner, Down), nhiễm trùng mạn tính (HIV-AIDS, lao, nhiễm trùng đường tiết niệu)...
Bác sĩ Thư khuyến nghị cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khám khi có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp